26/03/2024
4 lí do các công cụ AI không thể thay thế designer?
09/03/2023
Mục lục:
Trong vài năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - A.I) đã trở thành một phần không thể thiếu trong rất nhiều ngành nghề. Đặc biệt, sự xuất hiện của công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có tên ChatGPT, với đủ các khả năng như: viết văn, giải toán, làm thơ, viết mã phần mềm máy tính,... đã khiến người ta bắt đầu tự hỏi về khả năng vượt trội của các công cụ trí tuệ nhân tạo và chúng sẽ thay thế con người trong nay mai.
Trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, AI chủ yếu là tối ưu hóa và tốc độ. Các phần mềm AI như Dall-E, MidJourney hoặc Project Dreamcatcher cho phép các nhà thiết kế (và những người không phải là nhà thiết kế) tạo ra các thiết kế dựa trên từ khóa trong thời gian cực kỳ ngắn.
AI chủ yếu là tối ưu hóa và tốc độ. Các nhà thiết kế làm việc với AI có thể tạo ra các thiết kế nhanh hơn và rẻ hơn do tốc độ và hiệu quả mà nó mang lại. Sức mạnh của AI nằm ở tốc độ phân tích lượng dữ liệu khổng lồ và đề xuất điều chỉnh thiết kế. Sau đó, nhà thiết kế có thể chọn và phê duyệt các điều chỉnh dựa trên dữ liệu đó.
Do vậy, việc AI thay thế hoàn toàn người thiết kế là điều không thể.
1. AI thiếu trí tuệ cảm xúc
Trí tuệ cảm xúc là một trong những yếu tố khác biệt khiến con người luôn phù hợp ở nơi làm việc. Con người đạt được kết nối này thông qua sự tương tác hóa học và sinh học của một số hormone và cảm xúc giữa các bộ phận liên quan. AI không sở hữu nó vì AI chỉ bao gồm phần mềm và chip, không phải tế bào sinh học.
Ảnh 1: Cảm xúc là một yếu tố quan trọng trong một thiết kế
Trong thiết kế nói chung, việc thể hiện câu chuyện, ý tưởng của thiết kế đôi khi không chỉ dựa trên một vài từ khóa hay yêu cầu nhất định mà yếu tố cảm xúc trong từng thiết kế cũng vô cùng cần thiết. Đối với thiết kế bộ nhận diện thương hiệu nói riêng, yếu tố cảm xúc có thể được truyền cảm hứng bởi người chủ, quá trình hình thành và phát triển hay chính doanh nghiệp đó.
Và để thấu hiểu được tất cả những điều đó, sự đồng cảm giữa người với người hay có một trí tuệ cảm xúc mới có thể mang những yếu tố đặc biệt vào trong từng thiết kế. Việc mà một “AI designer” có thể làm là dựa vào từ khóa để phân tích và tạo nên một sản phẩm có phần vô hồn và hiếm khi nào chạm đến được cảm xúc của con người.
2. AI chỉ có thể hoạt động với dữ liệu có sẵn
AI chỉ có thể hoạt động dựa trên dữ liệu có sẵn, bất cứ yêu cầu nào nằm ngoài phạm vi có sẵn thì các công cụ AI sẽ không thể thực hiện được. Thuật toán cơ bản nhất của các phần mềm AI hiện nay đó là tìm kiếm, thu thập và tạo ra một sản phẩm từ những tài nguyên sẵn có mà con người đã đăng tải trước đó. Do đó, quá trình sáng tạo của AI bị giới hạn trong dữ liệu mà nó nhận được.
Ảnh 2: AI chỉ hoạt động dựa trên dữ liệu có sẵn
Mặt khác, con người có thể suy nghĩ vượt trội, tìm nguồn thông tin từ nhiều phương tiện khác nhau và tạo ra giải pháp cho các vấn đề phức tạp với rất ít hoặc không có dữ liệu. Đối với mỗi thiết kế thành phẩm, tính sáng tạo luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi vì, sẽ không có một khách hàng nào muốn logo của công ty mình lại trông “hao hao” với logo của công ty khác.
Dù những công cụ sáng tạo bằng trí tuệ nhân tạo A.I có phát triển thế nào đi chăng nữa, vai trò của các nhà thiết kế trong quy trình sáng tạo vẫn không thể thay thế được. Những hệ thống này vẫn phải “học” từ các ảnh có sẵn trên mạng được tạo ra bởi con người. Hơn nữa, A.I chỉ có thể “học” và ghép ảnh qua những dòng lệnh được nhập bởi con người, chứ chưa thực sự tự sáng tạo được một tác phẩm.
3. Các tác phẩm “made by AI” dễ gặp phải rào cản pháp lý
Cũng chính từ bản chất của thuật toán, các công cụ thiết kế AI bị cho rằng đang “lấy cắp” hình ảnh từ Google Images, Dribble, Behance,...để học hỏi và tạo ra các tác phẩm khác. Và một vấn đề được đặt ra là khi các tác phẩm này được sử dụng với mục đích thương mại, ai sẽ chịu trách nhiệm với tính pháp lý của chúng.
Ảnh 3: Các kết quả trả về cho từ khóa “Ketchup” trên DALL-E đều khá giống với Heinz Tomato Ketchup
Nền tảng lưu trữ hình ảnh Getty Images đã tuyên bố cấm người dùng đăng tải các tác phẩm do A.I tạo ra lên trang web, với lý do là "các vấn đề về bản quyền hình ảnh chưa được giải quyết" và có khả năng vi phạm luật bản quyền hiện hành. Getty Images đã bắt đầu xóa các tác phẩm do A.I tạo ra trên nền tảng, cụ thể là hình ảnh do DALL-E 2, Midjourney và Stable Diffusion sáng tạo.
4. AI hoạt động cần có con người
Sẽ không có trí tuệ nhân tạo nếu không có trí thông minh của con người. Ngay cái tên AI (Artificial intelligence) hay trí tuệ nhân tạo đã có nghĩa là trí thông minh được con người tạo ra, mô phỏng theo trí tuệ của con người dựa trên thuật toán.
Ảnh 4: Mọi hoạt động của AI đều dưới sự phát triển của con người
Tức là mọi chương trình và đặc tính của bất kỳ công cụ AI nào cũng bị kiểm soát và điều khiển bởi con người, do vậy, không phải AI, con người mới là nhân tố trung tâm quyết định đến mức độ ảnh hưởng của mọi hoạt động.
Không thể phủ nhận được những lợi ích mà các công cụ AI đã, đang và chắc chắn sẽ còn mang lại cho con người trong rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cho dù cho siêu việt tới đâu, chúng vẫn chỉ là một công cụ hỗ trợ, không bao giờ thay thế được con người.
Nhận tư vấn miễn phí
Cho dự án của bạn
Nhận tư vấn ngay